Quay về ký ức tuổi thơ cùng “Chuồn chuồn tre” của nhóm Le’morq trong dự án EWA

Quay về ký ức tuổi thơ cùng “Chuồn chuồn tre” của nhóm Le’morq trong dự án EWA

Với khao khát khám phá, tìm hiểu và gìn giữ làng nghề thủ công truyền thống, ngay khi biết đến cách thức tham gia cùng những giá trị cao đẹp mà cuộc thi “Vietnamese Women and Craft Village” đem lại, nhóm Le’morp không ngần ngại đăng ký, trải nghiệm mặc cho sự rào cản về dịch bệnh và điều kiện thời tiết không ủng hộ. Từng đến thăm làng nghề làm chuồn chuồn tre Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội trước đó và để lại khá nhiều ấn tượng là lý do chính khiến nhóm Le’morq quyết định lựa chọn nơi đây để ghi lại khoảnh khắc.

Đúng như tên gọi, chuồn chuồn tre được làm từ thân tre bền chắc, được vuốt tỉa mảnh mai thuận lợi cho việc tạo hình, có tính tự phân hủy sinh học 100%, có tính kháng khuẩn và thân thiện với môi trường. Nếu nhìn sơ qua, thật khó có thể tưởng tượng các công đoạn làm nên chuồn chuồn tre như thế nào mà phải tìm hiểu, bắt tay vào làm mới có thể hiểu nghề, hiểu những khó khăn, vất vả của các nghệ nhân với đôi bàn tay khéo léo và tinh tế.

Chuồn chuồn tre với mẫu mã đa dạng cùng màu sắc phong phú, bắt mắt, nhìn rất chân thật, mỗi sản phẩm mang một vẻ đẹp riêng và có thể đậu ở khắp mọi nơi. Nó không chỉ là người bạn, là thú vui của những đứa trẻ mà còn được ưa chuộng từ những người lớn. Họ dùng chúng như là vật trang trí, hô biến góc nhỏ trong căn nhà, căn phòng, đem lại không gian bình yên, đậm chất đồng quê.

Những chú chuồn chuồn tre được làm nên từ đôi bàn tay của nhiều thế hệ, từ trẻ nhỏ đến người già, làm với niềm đam mê, tâm huyết và trách nhiệm. Trong đó, công đoạn làm cánh chuồn chuồn rất phức tạp và khó, đòi hỏi sự tập trung, tỉ mỉ và kiên trì. Những ngày lễ, dịp nghỉ là khoảng thời gian bận rộn nhất, các thợ, nghệ nhân ngày ngày làm miệt mài, chuyên tâm để cho ra lượng lớn chuồn chuồn tre chất lượng.

Quá trình thực hiện dự án của nhóm khá khó khăn do tiến hành trong đại dịch, việc di chuyển sẽ hạn chế. Ngoài ra, quay trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt khiến chất lượng video ảnh hưởng ít nhiều và tốn thời gian để thực hiện hơn. 

Theo đúng kế hoạch, 6h sáng, nhóm đã bắt đầu khởi hành từ Thái Nguyên lên Hà Nội và tới gần 11h trưa mới tới nơi. Trước kia, ngôi làng Thạch Thất, Thạch Xá vẫn rất nhiều hộ gia đình làm nghề chuồn chuồn tre nhưng kể từ những năm gần đây ảnh hưởng từ quá trình đô thị hóa đã khiến nhiều hộ dân từ bỏ nghề này để chuyển sang kinh doanh các mặt hàng khác mang lại lợi nhuận cao hơn. Thật may, vẫn còn một số nhà làm sản phẩm thủ công này, trong đó có gia đình cô Nguyễn Thị Xoan.

Thời điểm tiến hành tháng 6, dịch bắt đầu bùng phát trở lại, nhiều thợ phải làm ở nhà nên việc tìm hiểu, quan sát hết công đoạn làm ra chuồn chuồn tre gặp khó khăn. Do đó, nhóm chỉ có thể quay được những phân cảnh làm nên khung chuồn chuồn. Tuy đến vào giữa trưa trời nắng gắt những nhóm vẫn kiên trì, cố gắng để ghi hình với chất lượng tốt nhất.

Sự nhiệt tình và hiếu khách của người dân nơi đây đã giúp nhóm hoàn thiện những cảnh quay và có một trải nghiệm thú vị khi chính tay làm công đoạn gắn cánh chuồn chuồn tre. Nhóm cũng hy vọng sẽ có nhiều cơ hội như vậy để hiểu hơn về làng nghề truyền thống làm chuồn chuồn tre cũng như thử làm những chú chuồn chuồn tre như những người nghệ nhân thực thụ. 

Qua cuộc trò chuyện, các nghệ nhân cho biết sản phẩm này cũng được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên, trẻ con ngày nay thường ham các thiết bị điện tử điện tử thay vì những món đồ thủ công nên đầu ra là thách thức đối lớn với làng nghề. 

Nhóm cho biết rằng:”mong muốn của chúng em khi tham gia dự án EWA không chỉ là giao lưu, học hỏi mà còn lan tỏa những giá trị cao đẹp của làng nghề chuồn chuồn tre, hãy luôn biết ơn, trân trọng những người phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó, ngày đêm miệt mài làm ra sản phẩm này để làm đẹp cho đời, cho ký ức tuổi thơ.”

Bên cạnh đó, nhóm cũng gửi gắm thông điệp rằng: “Hãy để những chú chuồn chuồn bay cao, bay xa cùng thế hệ trẻ Việt Nam. Để bạn bè Quốc tế có thể thấy Việt Nam chúng ta có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cùng với đó, thế hệ trẻ cần phải kế thừa và phát huy những giá trị này.”

Cuối cùng, thông qua cuộc thi, Le’morq hy vọng trong tương lai gần có thể triển khai các dự án gắn kết các làng nghề thủ công Việt Nam với nhau, quảng bá hình ảnh các sản phẩm không chỉ ở phạm vi trong nước mà vươn tầm thế giới, tạo dịp để dân tộc ta hiểu thêm về những giá trị truyền thống này cũng như là cơ hội để bạn bè Quốc tế có những trải nghiệm thú vị khi tìm hiểu và thực hành làm các sản phẩm này.