Nữ sinh ĐH Ngoại thương: ‘Không nghĩ ung thư đến khi mới 19 tuổi’

Nữ sinh ĐH Ngoại thương: ‘Không nghĩ ung thư đến khi mới 19 tuổi’

Cả tuổi thơ êm đềm trôi qua dưới mái nhà hạnh phúc, Thủy Tiên, giống như hàng nghìn người ngoài kia, từng nghĩ ung thư là điều bất hạnh nhưng có lẽ không xảy đến với mình.

“Bố đặt tên cho mình là Thủy Tiên – loài hoa mẹ thích nhất. Có lẽ bố mẹ hy vọng mình lớn lên được xinh đẹp, may mắn và hạnh phúc như ý nghĩa của những đóa thủy tiên”.

Từ bé, Đặng Trần Thủy Tiên (sinh năm 2000, Hải Phòng) luôn nghĩ mình may mắn và hạnh phúc khi được sinh ra trong gia đình có đủ bố, mẹ, em trai.

Bố mẹ đều là cán bộ Nhà nước, cuộc sống không quá khá giả nhưng chị em cô luôn được chu cấp mọi điều tốt nhất.

12 năm đều là học sinh giỏi, thi đỗ vào Đại học Ngoại thương, cuộc sống của Tiên cứ thế êm đềm cho đến khi được chẩn đoán mắc ung thư vú.

Căn bệnh ập đến bất ngờ, giống như bước ngoặt, làm đảo lộn cuộc sống yên bình của gia đình, cô gái 19 tuổi kể với Zing.vn.

Nu sinh DH Ngoai thuong: ‘Khong nghi ung thu den khi moi 19 tuoi’ hinh anh 1
Phát hiện bị ung thư vú vào những năm tháng thanh xuân đẹp nhất là cú sốc lớn đối với Đặng Trần Thủy Tiên.

“Còn trẻ thế sao lại mắc ung thư…”

Đó là một ngày Tiên chuẩn bị thi cuối kỳ của năm nhất đại học.

Cô đi tắm và sờ thấy cục hạch nhỏ bằng đầu ngón tay cái. Tiên gọi điện về kể với mẹ. Ngày 13/6, nữ sinh tự đi khám, tự đăng ký tiểu phẫu.

“Hẳn không có gì nghiêm trọng bác sĩ mới động dao kéo. Cắt u đi rồi mình sẽ ổn thôi”, Tiên nghĩ, cũng không bận tâm đến việc các bác sĩ mang khối u vừa cắt bỏ đi sinh thiết.

13 ngày sau ca phẫu thuật, bác sĩ thông báo cô bị ung thư vú giai đoạn 2B – không sớm, không muộn nhưng không thể khẳng định có thể chữa khỏi hoàn toàn.

Nu sinh DH Ngoai thuong: ‘Khong nghi ung thu den khi moi 19 tuoi’ hinh anh 2
Tiên từng oán trách số phận, thấy bất công khi cuộc sống không được bằng phẳng như bao người.

Cả gia đình sẽ cùng vượt qua khó khăn, mẹ nói vậy nhưng cứ nấc lên từng hồi.

Tiên vẫn nghĩ mình rất khỏe mạnh. Bác sĩ cũng nói 19 tuổi còn quá sớm để mắc bệnh này.

Người quen xung quanh cô thì liên tục thắc mắc: “Còn trẻ thế sao lại mắc ung thư”.

Từ một cô gái năng động, hay cười đùa, Tiên thấy cả thế giới như sụp đổ.

Cô oán trách số phận, thấy bất công khi cuộc sống không được bằng phẳng như bao người.

“Tại sao lại là mình”, “Tại sao lại là ung thư” – hàng trăm lần Tiên nức nở, dằn vặt.

Tiên được chuyển tuyến lên Bệnh viện K. Ngày 1/7, cô trải qua ca phẫu thuật cắt nửa ngực trái. Sau 20 ngày chờ đợi vết mổ ổn định, Tiên được hóa trị lần đầu tiên.

Dù đã chuẩn bị tâm lý từ khi nghe những người vào điều trị cùng đợt rằng  hóa trị rất mệt, Tiên vẫn không nghĩ mình kiệt sức đến vậy sau khi đưa hóa chất vào người.

“Ngày trước, mình nghĩ còn trẻ nên chủ quan, ít đi kiểm tra sức khỏe, ít tập thể dục. Đó là sơ suất quá lớn. Đến bây giờ, nhiều lúc mình vẫn cảm thấy bản thân khỏe lắm, nhưng tờ kết quả xét nghiệm, rằng tế bào bên trong cơ thể mình không thể kiểm soát được, thì không biết nói dối”, Thủy Tiên nói.

Từ tháng 8 vừa qua, Tiên bảo lưu kết quả học tập. Cuộc chiến chống ung thư của cô thật sự bắt đầu. Thay vì nhớ lịch học, lịch thi như ngày trước, thời gian biểu của cô giờ xoay quanh việc tập thể dục, uống thuốc, đi hóa trị.

Nu sinh DH Ngoai thuong: ‘Khong nghi ung thu den khi moi 19 tuoi’ hinh anh 3
“Tại sao lại là mình”, “Tại sao lại là ung thư” – hàng trăm lần Tiên gục xuống nức nở, dằn vặt.

Cho phép buồn, khóc nhưng không cho phép gục ngã

15 ngày sau khi hóa trị, Tiên cảm nhận được những thay đổi đầu tiên – tóc rụng đầy bàn tay mỗi khi cô vuốt tóc, lông mày và lông mi dần biến mất, da sạm đi, móng tay thâm lại.

Tiên buồn nhưng hiểu rằng những hóa chất đó giúp tiêu diệt tế bào ung thư trong cơ thể mình.

Ngày quyết định cắt đi mái tóc đen dài nâng niu, chăm chút bấy lâu nay, Tiên khóc nhiều. Nhưng chỉ có thế cô mới đội được tóc giả, để ra đường trông mình không khác biệt với mọi người khi không có tóc.

“Lần đi chơi ở Đà Nẵng, thời tiết rất nóng, mình lần đầu tiên tự tin bỏ tóc giả để tắm biển. Mọi người nhìn chằm chằm. Nhưng cũng bởi ‘bị’ nhìn nhiều như thế, tâm lý mình dần không còn sợ. Mình không phải che đậy nữa”, Thủy Tiên kể lại.

Nu sinh DH Ngoai thuong: ‘Khong nghi ung thu den khi moi 19 tuoi’ hinh anh 4
15 ngày sau lần hóa trị đầu tiên, tóc Tiên rụng đầy bàn tay mỗi khi cô vuốt tóc, lông mày và lông mi dần biến mất, da sạm đi, móng tay thâm lại.

Từ khi mắc ung thư, Tiên vẫn nói vui cái giường đắt đỏ nhất là giường bệnh vì đó là gánh nặng kinh tế cho cả gia đình.

Tiên không thể tự lái xe, đi đâu cũng phải có người đưa đón.

Bố mẹ và em trai Tiên bớt đi sở thích riêng để cùng cô ăn nhiều đồ luộc, vì nó tốt cho người bệnh ung thư.

Hàng tuần, mẹ đều xin nghỉ làm 1-2 hôm để đưa Tiên lên Hà Nội hóa trị.

Có lần hai mẹ con lên tàu hỏa rời Hải Phòng lúc 6h sáng, 9h đến bệnh viện truyền hóa chất luôn. Có lần mẹ con Tiên đi xe khách từ 5h sáng, hơn 6h tới viện làm xét nghiệm rồi nằm lên giường bệnh hóa trị.

“4 mũi hóa chất đỏ, 5 mũi hóa chất dầu”, Tiên nhớ như in 9 lần hóa trị cô đều phải nằm nghỉ cả ngày vì mất sức.

Nhưng Tiên vẫn thấy may vì còn trẻ, mỗi lần hóa trị chỉ cần nghỉ ngơi 1-2 hôm là khỏe hơn, có thể giúp bố mẹ nấu cơm, làm việc nhà.

19 năm quen với nếp sống đều đều, có những thứ tưởng dễ dàng như dậy sớm tập thể dục, ăn uống theo chế độ… khiến Tiên thấy khá khó khăn lúc ban đầu.

Mỗi ngày không phải hóa trị, cô vẫn thức dậy lúc 5h sáng để tập thể dục. Những món ăn chiên, rán khoái khẩu ngày trước cũng bị loại khỏi bữa ăn hàng ngày. Thời gian ra ngoài, gặp bạn bè ít đi. Tiên xin mẹ đi học đàn guitar để khuây khỏa tâm trí.

Nhiều lúc, Tiên muốn đi học, muốn trở lại lớp gặp bạn bè, có thể học không đủ tín chỉ, túc tắc vài môn nhưng chỉ cần được nói chuyện với mọi người.

“Mình cho phép mình buồn, cho phép mình khóc nhưng không cho phép mình gục ngã. Bởi mình biết chỉ cần gục ngã, căn bệnh này sẽ chiến thắng”, Tiên nói.

Nếu một ngày được khỏe lại, muốn tham gia festival âm nhạc

Tiên hay cười, ánh mắt lạc quan, không tránh né khi nói về căn bệnh mình đang mang trong người. Cô chỉ rơi nước mắt, bỏ dở câu nói khi nhắc đến bố mẹ và em trai kém 6 tuổi.

“Bố mẹ phải suy nghĩ nhiều, gương mặt trầm tư hơn khi gồng gánh căn bệnh với mình. Phải đi làm hàng ngày nhưng sáng nào bố mẹ cũng dậy từ 5h sáng tập thể dục với mình, đưa mình đi học đàn, đến ăn uống cũng chiều theo mình. Mình quá may mắn”.

Từ khi biết chị ốm, em trai Tiên vốn tinh nghịch, hiếu động, thường khiến chị “tức điên lên” tuy không nói ra những lời động viên, nhưng bớt thời gian đi chơi để ở nhà bầu bạn chị khi bố mẹ đi làm.

“Mình thấy thiệt thòi cho em vì là con út, lẽ ra được nuông chiều nhất nhà. Giờ bố mẹ phải chăm chị, em ấy phải tự học cách tự lo cho bản thân…”, Tiên nghẹn lời, lau vội dòng nước mắt lăn trên má.

Cũng nhờ gia đình, bạn bè động viên, Tiên vừa đăng ký tham gia cuộc thi Beauty & Charm ở trường và lọt top 40. Và tình cờ, chủ đề năm nay là “She is the difference” (tạm dịch: Cô ấy là điều khác biệt).

Tiên nói muốn truyền cảm hứng cho các bạn có ngoại hình khác biệt và ai đang bị ung thư có thêm dũng cảm chiến đấu với bệnh tật. Nếu không thể đi xa hơn, Tiên chỉ coi đó là một điều không may mắn nữa, nhưng vẫn tự hào vì công sức đã bỏ ra.

– Nếu có một ngày khỏe lại, bạn sẽ làm gì? – chúng tôi hỏi.

– Mình sẽ tham dự một festival âm nhạc, sẽ ăn tất cả món mình thích, sẽ cùng đi chơi với gia đình… – Tiên hào hứng kể, đôi mắt trong veo cong nhẹ mỗi khi cười.

Trong suy nghĩ của Thủy Tiên, ung thư là chu trình di căn và tái phát, có thể đưa cô quay trở lại viện bất cứ lúc nào. Nhiều người điều trị cùng đợt không được may mắn đã ra đi, cô cũng không biết những cuộc hóa trị có hiệu quả, có giúp mình khỏi bệnh được không.

Nhưng Tiên luôn tin rằng tóc và lông mày rụng hết rồi sẽ mọc lại, vết sẹo trên người cô rồi cũng sẽ được chữa lành. Sợ hãi cũng không có ích gì. Điều duy nhất có ý nghĩa là kiên trì.

Zing.vn