Bí quyết “đánh bay” rôm sảy ngày hè cho bé yêu

Bí quyết “đánh bay” rôm sảy ngày hè cho bé yêu

Thời tiết nóng, ẩm mùa hè là điều kiện thuận lợi gây nhiều bệnh ở trẻ, đặc biệt là các bệnh ngoài da như rôm sảy. Rôm sảy không phải là bệnh lý nghiêm trọng, nếu được phát hiện sớm, bố mẹ có thể tự điều trị cho con tại nhà. Bố mẹ hãy “dắt túi” ngay những bí quyết sau để đánh bay rôm sảy ngày hè cho bé yêu nhé!

Rôm sảy là bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ, đặc biệt là vào mùa hè

Cho bé mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi

Rôm sảy xuất hiện nhiều ở trẻ vào mùa hè do ống tuyến mồ hôi chưa phát triển hoàn chỉnh, lại thêm thời tiết nắng nóng khiến cơ thể trẻ bài tiết nhiều mồ hôi nhưng không thoát ra ngoài hết. Điều này gây ứ đọng mồ hôi và bít tắc tuyến mồ hôi. Một trong những nguyên nhân điển hình gây ra tình trạng này là do quần áo của trẻ không thấm hút mồ hôi hoặc trẻ thường xuyên mặc tã quá chật.

Do đó, khi bé bị rôm sảy, bố mẹ cần lựa chọn cho bé trang phục thoáng mát, mềm mịn và thấm hút mồ hôi tốt như đũi (linen), cotton, thun lạnh, lanh,… Bên cạnh chất liệu, bố mẹ cũng cần chú ý chọn cho bé trang phục rộng rãi, thoải mái; tránh mặc quá nhiều hay quá chật.

Với các bé sơ sinh, bố mẹ cần tránh chọn bỉm quá chật khiến bé khó chịu và dễ gây ra rôm sảy

Tắm rửa hàng ngày cho trẻ

Khi trẻ bị rôm sảy, vùng da đó sẽ nóng và có thể ẩn chứa nhiều nấm và vi khuẩn. Chính vì thế, các mẹ nên tắm rửa sạch sẽ cho bé mỗi ngày nhằm loại bỏ hết bụi bẩn bám trên bề mặt da, giúp cho lỗ chân lông thông thoáng, ngăn chặn vi khuẩn phát triển và giúp bệnh nhanh khỏi hơn.

Ngoài sử dụng nước sạch và sữa tắm cho trẻ, mẹ có thể tắm cho bé bằng thuốc tím pha loãng hay các loại lá tắm có công dụng làm mát, trị rôm sảy tốt như lá khế, lá trầu không, lá trà xanh, lô hội, lá mảnh bát, lá dâu tằm, lá kinh giới, mướp đắng,… Khi sử dụng các loại lá này làm nước tắm cho bé, bố mẹ phải đảm bảo loại lá tắm được sử dụng là an toàn, không thuốc bảo vệ thực vật, không bụi bẩn, không mọc ở những nơi ô nhiễm. Để cẩn thận, mẹ nên rửa từng lá sạch sẽ, ngâm trong thuốc tím hoặc nước muối trước khi mang đi nấu nước tắm. Ngoài ra, bố mẹ cần lưu ý tuyệt đối không sử dụng các loại xà phòng hay sữa tắm có độ pH không phù hợp với làn da mỏng manh và nhạy cảm của bé.

Cho bé ăn, uống đồ mát, chứa nhiều vitamin

Khi bé bị rôm sảy, một phần nguyên nhân có thể đến từ việc cơ thể bé bị nóng trong. Do đó, các mẹ nên cho bé sử dụng những đồ ăn, thức uống có tính mát, có khả năng thanh nhiệt và giải độc từ bên trong để điều hòa thân nhiệt cho bé. Một số loại nước có tác dụng thanh nhiệt cơ thể mẹ có thể cho bé uống là nước bột sắn dây, nước đỗ đen, nước rau má, nước sâm, nước ép cam, chanh,… Bố mẹ cũng cần hạn chế cho bé sử dụng những đồ ăn, đồ uống có nhiều đường.

rom-say

Không cho bé tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời

Khi đang bị rôm sảy, nếu bé ra ngoài và tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng sẽ càng khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Do vậy, bố mẹ nên để bé trong phòng mát, thoáng khí. Hạn chế không cho trẻ ra nắng từ 10 giờ sáng tới 4 giờ chiều vì đây là khoảng thời gian các tia UVA và UVB cực độc từ mặt trời hoạt động mạnh nhất. Nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian này, không chỉ khiến rôm sảy lây lan nhanh mà còn rất dễ khiến cho da bé bị cháy nắng, bỏng rát hay nguy hiểm hơn là dẫn tới nguy cơ ung thư da. Nếu bắt buộc đưa bé ra ngoài, bố mẹ nên chọn thời điểm sáng sớm hay chiều muộn. Bên cạnh đó, cần đội mũ, đeo khẩu trang và kính cho bé để tránh gây kích ứng với da.

Nếu như đã áp dụng các cách trên nhưng tình trạng rôm sảy của bé không có biến chuyển, hoặc các mụn đỏ mọc nhiều hơn thì bố mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa để khám và đưa ra được cách chữa trị phù hợp và hiệu quả nhất cho trẻ.

Nguồn:  Bệnh và Phòng Bệnh, SỨC KHỎE