Ẩm thực bánh đa cua – những tiết lộ thú vị về cách làm ra sản phẩm

Ẩm thực bánh đa cua – những tiết lộ thú vị về cách làm ra sản phẩm

Chẳn hẳn, bánh đa cua quá đỗi gần gũi với chúng ta mỗi khi nhắc đến thành phố Hoa Phượng Đỏ nhưng ít ai biết được quy trình làm ra món ăn dinh dưỡng, ngon bổ này. Đó là lý do mà bạn trẻ Nguyễn Thanh Thoan tuy không phải là người con đất cảng nhưng với 10 năm gắn bó với nhịp sống, người dân Hải Phòng, đã quyết định lựa chọn làng nghề làm bánh đa cua để tham gia cuộc thi “Vietnamese Women and Craft Village” nằm trong dự án EWA với hy vọng mọi người sẽ am hiểu hơn về món đặc sản này cũng như biết ơn, quý trọng những vất vả, tần tảo của những con người làng nghề nơi đây.

Nguyễn Thanh Thoan chia sẻ: “Khi bạn đặt chân tới thành phố Cảng Hải Phòng, đâu đâu cũng sẽ bắt gặp thấy món ăn bình dân này, ngay cả trên các vỉa hè kê vài chiếc bàn ngay ngắn cùng dòng chữ không cầu kỳ, đề “bánh đá cua”. Có lẽ vì đây là một món ăn quen thuộc, dân dã nên ít ai để ý, quan tâm đến nguyên liệu và quy trình làm ra nó. Thậm chí, nhiều người đơn thuần chỉ biết đây là một món ăn đặc sản, nổi tiếng mà không hề biết tới sự tồn tại của làng nghề này.”

Khi ăn, ta dễ dàng trông thấy trong bát bánh đa cua chứa những gia giảm thiết yếu như hành phi, hành lá, chanh, rau muống, cà chua, lá lốt,nấm hương,…. những sợi bánh đa nâu sậm, mỏng tang mà mềm, dai với hương vị thanh mát, ngọt lành. Trong đó, thứ khiến món ăn này trở thành đặc sản lại chẳng phải rau muống, chả lá lốt, vị cua đồng,..mà chính là bánh đa đỏ. 

Bánh đa đỏ bắt nguồn từ một ngôi làng nhỏ cách trung tâm thành phố không xa, của người dân làng Dư, Hàng Kênh, nơi cung cấp bánh cho toàn thành phố đất cảng và cả những nơi khác trong nước. Ngoài ra, quận Lê Chân và chợ Hỗ huyện An Dương cũng được biết đến là những nơi nổi tiếng sản xuất bánh đa cua. Món ăn này có thể ăn kém với những món phụ khác như tôm (loại tôm sông, tôm bể nhỏ), thịt lợn xào mộc nhĩ, chả thịt lợn, chả cá hoặc chả lá lốt.

Để làm nên loại bánh mềm, dai này đòi hỏi sự tinh tế, tỉ mỉ, thuần thục trong tay nghề từ khâu ngâm gạo, pha bột, chế nước khi xay, chỉnh lửa lò khi tráng bánh,…Nghe có vẻ khá đơn giản nhưng khi bắt tay làm, quả thực mới thấy các công đoạn khó khăn và vất vả ra sao. Theo Nguyễn Thanh Thoan, nhóm đã xuất phát từ rất sớm, đến nơi tầm khoảng 4-5 h sáng nhưng vẫn không kịp để có thể theo dõi, ghi hình được toàn bộ quá trình làm ra bánh đa cua, mà chỉ kịp quay phân cảnh công đoạn cuối làm bánh.

Cô chia sẻ:”Khi đến nơi, chúng tôi đều rất hoảng vì nghĩ mình đã tới sớm kịp lúc có thể xem cách nhào bột – công đoạn được xem là khó nhất, đòi hỏi kỹ năng nhất nhưng không, chúng tôi hơi hụt hẫng. Tuy nhiên, qua điều này, chúng tôi mới thấm thía được nỗi vất vả, tần tảo của người dân làng nghề nơi đây, họ đã phải làm từ chập tối đến sáng sớm tinh mơ để có thể cho ra thứ bánh ngon nhất, phục vụ bữa ăn sáng cho những người dân Hải Phòng.”

Tuy chỉ kịp quay công đoạn cuối nhưng cô cảm thấy rất vui vì nhờ những trải nghiệm này mới giúp cô có thêm sự am hiểu về món bánh đa cua, thấy biết ơn, quý trọng nó hơn cũng như trân trọng công sức của người dân làng nghề chăm chỉ ngày đêm làm ra nó. Bên cạnh đó, cuộc thi này cũng là dịp để cô cùng hai người bạn của mình gắn bó, khăng khít với nhau hơn, là cơ hội để nhóm bạn tụ tập, có chuyến đi trải nghiệm thực tế vừa học vừa chơi bổ ích như vậy.

Cuối cùng cô hy vọng với những chia sẻ của mình qua video làm bánh đa cua sẽ giúp người dân hiểu hơn về giá trị, ý nghĩa món bánh, quy trình làm ra sản phẩm và sự lam lũ, vất vả của các bà, các mẹ, các chị thức khuya dậy sớm để làm. Qua đó biết trân trọng món ăn đặc sản này hơn, có ý thức gìn giữ làng nghề truyền thống, quảng bá hình ảnh món ăn không chỉ cho người dân trong nước mà còn cho bạn bè quốc tế và quan trọng hơn hết là lòng biết ơn tới những người làm nên thành quả này, trân quý công sức lao động của họ.